Các món cháo giúp trẻ bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, hàng ngày có nhiều mẹ đưa con đến khám cho biết bé lười ăn cháo, dẫn đến chậm tăng cân.
Dưới đây là những sai lầm mẹ thường gặp khi nấu cháo cho trẻ.
1) Chỉ nấu cháo bằng nước hầm xương
Rất nhiều mẹ truyền tai nhau về việc dùng nước hầm xương để nấu những món cháo giúp bé tăng cân. Các mẹ tin rằng nước hầm xương thường chứa nhiều canxi, protein, chất béo, khoáng chất,… Tuy nhiên, trong 100 ml nước hầm xương chỉ chứa khoảng 0,6 g đạm và 33,5 mg canxi. Trong khi đó, nhu cầu của trẻ một tuổi cần đến 20 g đạm và 500 mg canxi mỗi ngày.
Canxi chỉ được cơ thể hấp thụ khi tỷ lệ phốt pho đi cùng nằm ở mức tương đối. Trong nước hầm xương, tỷ lệ phốt pho quá thấp nên cơ thể trẻ rất khó hấp thụ được lượng canxi này. Liên tục cho con dùng nước hầm xương trong thời gian dài, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng “thẩm thấu ngược”. Điều này có nghĩa là cơ thể tự rút ngược phốt pho trong xương của bé ra để hấp thụ canxi từ nước hầm, khiến bé tăng nguy cơ loãng xương, còi cọc, thấp lùn.
2) Nấu cháo quá nhuyễn hoặc quá đặc
Bước vào độ tuổi đang mọc răng, trẻ cần ăn các loại cháo nấu sệt vừa phải để hình thành phản xạ nhai ở trẻ. Cháo quá nhuyễn khiến trẻ lười nhai, trong khi đó cháo quá đặc sẽ khiến bé nuốt không trôi, lâu dần có thể hình thành phản xạ biếng ăn ở trẻ.
3) Lạm dụng cháo dinh dưỡng bên ngoài
Các loại cháo dinh dưỡng nấu sẵn thường dùng nhiều gia vị và phẩm màu không cần thiết. Ví dụ, cháo cà rốt có thể có nhiều phẩm màu cam đậm, cháo rau xanh thì có phẩm màu xanh đậm,… Ngoài ra, thực phẩm có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh. Trẻ ăn lâu ngày sẽ ảnh hưởng sức khỏe đường ruột, ngán, biếng ăn.
4) Nấu nhiều cháo và đun lại nhiều lần cho bé ăn
Nhiều mẹ thường chọn cách nấu một phần cháo thật lớn, sau đó chia thành nhiều bữa nhỏ cho bé. Việc làm này giúp mẹ tiết kiệm thời gian nhưng khiến cháo mất chất dinh dưỡng, bé dễ ngán, gây nên chứng biếng ăn tâm lý. Ngược lại, nếu bé ăn nhiều lần một món quen thuộc sẽ hình thành phản xạ phụ thuộc. Bé cần ăn đa dạng thực phẩm để có đầy đủ chất dinh dưỡng.
5) Lạm dụng quá nhiều đạm hoặc rau củ
Trẻ em 12 tháng tuổi cần tiêu thụ 20 g đạm mỗi ngày. Trong đó, hàm lượng đạm đến từ lượng sữa mẹ mà trẻ một tuổi cần bú (600 ml) là 7,8 g. Như vậy, 12,2 g protein còn lại mẹ có thể cung cấp thông qua các món cháo giúp bé tăng cân. Nếu lượng đạm trong những món cháo giúp bé tăng cân nhiều hơn mức khuyến cáo, bé có thể bị sỏi thận, suy thận, biếng ăn, bỏ bú, thiếu vi chất, mất nước,…
6) Nêm nếm theo khẩu vị của mẹ
Khẩu vị của người lớn khác trẻ nhỏ. Thông thường, để cảm thấy “vừa ăn”, người trưởng thành thường phải “cắn thêm miếng ớt”, “vắt thêm miếng chanh”,… Trong khi đó, thận, lưỡi và hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ rất dễ bị “quá tải” trước các gia vị, kích thích.
Khi chế biến những món cháo giúp bé tăng cân, mẹ không nên thêm muối hay xì dầu, nước mắm, bột nêm… Tiêu thụ quá 2,3 gam muối mỗi ngày có thể khiến trẻ bị tổn thương thận, cao huyết áp và thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim. Chế độ ăn nhiều muối có thể khiến bé hình thành sở thích ăn mặn suốt đời, làm giảm chất lượng sống tổng thể của trẻ khi trưởng thành vì nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.
7) Kiêng dầu ăn
Nhu cầu về chất béo ở trẻ rất cao, lên đến 40% lượng calo đến từ khẩu phần ăn hàng ngày. Trung bình, trẻ em một tháng tuổi cần từ 31- 33 g chất béo mỗi ngày đến từ dầu thực vật và mỡ động vật. Mẹ nên lựa chọn loại dầu ăn phù hợp với trẻ.